Cùng vui đón Tết Chol-chnam-thmay với đồng bào Khmer Nam Bộ

Lượt xem:
145

Chol Chnăm Thmây (hoặc Chaul Chnam Thmay) là tết mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chol” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmay” là “Năm Mới”. Tết này rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch).

Lễ hội lớn nhất

Tết Chol Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam sinh sống ở Nam Bộ, nhiều nhất là ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.

Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây năm nay đang về mang theo sinh khí rộn ràng tại địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đây cũng là lúc nhiều chùa Khmer ở vùng Nam Bộ tất bật dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị đón một cái tết cổ truyền vui tươi, hạnh phúc và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

b2ttm2-1681290115.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc Tết cổ truyền đồng bào Khmer năm 2023. Ảnh: baodantoc.vn

Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi Thư chúc mừng đến đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer. 
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến thăm chúc tết đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Cần Thơ. Tham gia cùng đoàn có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Ủy ban dân tộc, lãnh đạo Hội đồng dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo TP. Cần Thơ. Đến thăm Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trân trọng gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất đến các vị chức sắc, sư sãi, tăng sinh và đồng bào Khmer.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ đã thăm hỏi, chúc quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức và đồng bào Khmer đón năm mới an lạc, hạnh phúc và hưởng được bốn pháp chúc phúc của Đức Phật: Sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh. Thông qua các hoạt động văn hóa trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và bảo tồn những nghi thức truyền thống tốt đẹp lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.

Nguồn gốc của Tết Chol Chnăm Thmây

Nguồn gốc của Tết Chol Chnăm Thmây được lý giải bằng truyền thuyết liên quan đến câu chuyện chuyển giao tôn giáo từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo, xoay quanh cuộc đấu trí giữa Đại Phạm Thiên (Kabul Maha Prum) và cậu bé thông minh Thom Ma Bal, một tiền kiếp của đức Phật.

b3kmnb1f-1681291036.jpeg

Vui đón Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer. Ảnh: Chinhphu.vn

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một cậu bé tên là Thom Ma Bal rất thông minh, 7 tuổi đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng rất thán phục và thích nghe cậu thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thommabal chẳng mấy chốc vang đến thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Kabul Maha Prum trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

Thần Kabul Maha Prum vốn rất có uy trên thượng giới, nay nghe ở trần gian có kẻ hơn mình nên rất tức giận. Thần cho gọi hết các vị thần tiên trở về, không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời tìm cách hãm hại Thom Ma Bal. Thần đặt ra ba câu hỏi và bắt Thom Ma Bal trả lời trong vòng 7 ngày. Thần giao ước, nếu cậu bé không trả lời được thì cậu phải dâng mạng sống của mình cho Thần. Ngược lại, Thần sẽ tự tay chặt đầu mình nếu Thom Ma Bal trả lời chuẩn xác ba câu hỏi.

Thom Ma Bal suy nghĩ suốt ngày đêm mà vẫn không tìm được lời giải đáp. Đến ngày thứ sáu, chàng đi lang thang mệt mỏi, thất vọng, ngồi nghỉ dưới cây thốt nốt, tình cờ nghe được lời giải từ hai con chim đại bàng.

Đúng hẹn, thần Kabul Maha Prum tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thom Ma Bal. Chàng trả lời đúng câu hỏi của thần. Thua cuộc, thần tự cắt đầu mình, tự sát.

Trước khi cắt, thần căn dặn những người con gái của mình hãy để đầu của ông trên một khay vàng và giữ nó trong một tòa tháp trên đỉnh Prassume, bởi, nếu để đầu ông rơi xuống biển, biển sẽ cạn, nếu để đầu của ông trên không thì trời không mưa, và nếu để đầu ông xuống đất, thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được.

Thần Kabul Maha Prum cũng không quên khuyên các con gái của mình hằng năm thay phiên nhau xuống trần gian để bảo vệ người dân hạ giới và phù hộ cho một năm bình an, mùa màng bội thu.

Từ đó về sau, hằng năm, cứ đến ngày thần Kabul Maha Prum cắt đầu, bảy tiên nữ con gái thần thay phiên nhau xuống trần gian, mang theo một mâm đầu của ông xuống núi Prassume rồi quay quanh chân núi ba vòng theo hướng mặt trời mọc.

Người Khmer coi ngày đó là ngày đầu tiên của năm mới.

Đối với người Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tại thời điểm này, cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Sự thay đổi, bừng lên của thiên nhiên đã được người Khmer quan niệm như sự khởi đầu của một năm mới. Việc tổ chức Tết Chol Chnăm Thmây xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới.

Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm, nên ngày xưa Tết Chol Chnăm Thmây kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).  

Ba ngày này được tính theo lịch của người Khmer. Do ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, người Khmer tính đầu năm bằng hai lối vào: “Chol” tính theo chuyển động của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi bằng biểu tượng của 12 con thú tượng trưng của con giáp trong một kỳ. “Chnăm” tính theo chuyển động của mặt trời. “Chol” được tính vào tháng 4 dương lịch, còn “Chnăm” thì thay đổi theo trăng tròn hay khuyết.

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer

 Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol- chnam- thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình. Vì là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa) nên mọi sinh hoạt Tết Chol-chnam- thây của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.

 Chùa Khmer Nam Bộ được xây cất trong khuôn viên rộng lớn, sạch sẽ, u trầm dưới bóng mát những hàng sao, hàng dầu cổ thụ được trồng ngay hàng thẳng lối, đẹp như tranh. Chùa Khmer là nơi sinh hoạt văn hóa, là chỗ dựa tinh thần, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất dành cho cả cộng đồng. Nên bất kỳ một cuộc lễ nào của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ cũng đều được diễn ra hoặc kết thúc tại chùa.

        Tết Chol-chnam- thmay còn gọi là tết “chịu tuổi”, diễn ra trong ba ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk có nghĩa là “tăng lên”. Trước tết mọi người sơn phết lại các ngôi chùa, và bàn thờ tổ tiên. Các chùa Khmer ở Trà Vinh, Châu Đốc, Sóc Trăng, Hậu Giang được tu bổ, trang trí lại với nhiều màu sắc sặc sỡ. Mấy ngày tết mọi người chủ yếu vào các chùa để cúng vái các thần linh như thần Vitnu, Siva, Hanuman…

        Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ), và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, nó cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ dùng trong ngày tết Nguyên đán. Ngoài ra còn có các loại bánh như: nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa)

        Vào đêm giao thừa mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên, để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn tết, cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm. Người ta tin rằng thần Tê-vô-đa được nhà Trời sai xuống để cai quản dương thế trong một năm. Hết năm cũ nhà trời lại sai vị thần Tê-vô-đa khác xuống thay thế.

        Sáng ngày Tết thứ nhất Sang-kran (như ngày mùng một tết Nguyên đán của người Kinh), mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, tụng kinh, niệm Phật, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran). Tại đây có vị gọi là Acha điều khiển mọi người đứng xếp hàng rồi đi vòng quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới. Sau đó tổ chức rước “thần bốn mặt”. Theo truyền thuyết thì đó là thần Tho-ma-bat. Ka-bun, Ma-ha và Prun. Đến đêm những người lớn tuổi tụ tập trong nhà nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ ra sân chùa múa hát, vui chơi.

         Ngày Tết thứ hai là ngày Won-bót, mọi người làm lễ dâng cơm cho các sư sãi ở chùa, còn gọi là Wên-chô-han. Tới chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-fun-khsach) tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Núi thứ chín nằm ở chính giữa gọi là Mê-ru, biểu tượng trung tâm của trái đất. Cuối buổi chiều họ làm lễ quy y cho núi.

        Ngày tết thứ ba gọi là Lon-sătk mọi người tiếp tục dâng cơm, ban phát quần áo cho các sư sãi, rồi tắm cho các tượng Phật để cầu hên. Sau đó họ về nhà tắm cho những người lớn tuổi để tẩy trần những điều phiền muộn của năm cũ. Tới chiều họ làm lễ cầu siêu (còn gọi là lễ Băng-skot) cho những vong hồn được siêu thoát tới miền cực lạc. Sau cùng mọi người về nhà lạy ông bà, cha mẹ trước bàn thờ, rồi tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cháu.

         Trong ba ngày Tết, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích các điệu dù-kê, rô-băm, múa lăm-thôn… tại sân chùa. Đây cũng là dịp để họ tìm hiểu nhau, hò hẹn và phô bày tình cảm, và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Vui nhất là hát “dù-kê” (còn gọi là hát lò-khôn). Hai bên nam nữ hát đối đáp (còn gọi xác-cô-va) kết hợp ném Chơ-hung. Đó là những chiếc khăn màu sắc sặc sỡ kết tròn lại như hình trái bóng rồi nam nữ ném đi, ném lại cho nhau cùng bắt như người Thái ở Tây Bắc ném “còn”. Phần thưởng thường thuộc về phái nữ. Bởi họ tin rằng nữ gắn liền với mặt trăng, với nước, là biểu tượng cho mùa màng năm mới tốt tươi. Trong lễ hội này còn có nhiều nam nữ thanh niên người Kinh, người Hoa, người Chăm cùng vui chơi. Ngoài ra còn có các trò chơi như kéo co, hát bo-suông (hát giao duyên), đánh bóng chuyền…

        Người Khmer ở Nam Bộ rất trọng lễ nghĩa. Trong một năm họ tổ chức rất nhiều ngày lễ, hội, giỗ, chạp, nhưng chỉ có tết Chol-chnam- thmay là lớn nhất. Tại nhà văn hoá Khmer ở ao Bà Om- ngoài thị xã Trà Vinh, chùa Sa-mar-hum ở Sóc Trăng, các chùa Miên ở An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang…đều được tổ chức lễ, hội rất lớn. Đặc biệt đồng bào Khmer ở Bạc Liêu còn có lễ Thanh minh, gọi là Bang skoil.

        Trước Tết Chol-chnam- thmay, bà con dọn dẹp, sơn phết tháp thờ hài cốt ông bà, cha mẹ mình cho gọn gàng, đẹp đẽ. Sau đó nhờ nhà sư làm lễ cầu cho linh hồn ông bà tổ tiên được siêu sanh miền Tịnh độ. Đây cũng là dịp họ nhờ các sư tụng kinh siêu thoát cho những tháp mộ không người thân chăm sóc. Lễ viếng mộ kết thúc, họ trở về nhà tắm tượng Phật thờ trong gia đình.

        Tiếp đó, con cháu đem bánh, mứt, trà, rượu mời ông bà, cha mẹ dùng cùng những lời chúc mừng năm mới tràn đầy sức khỏe, gặp nhiều may mắn... Nhiều năm trước, đây còn là dịp để họ tổ chức lễ tát nước vào người lớn tuổi lấy hên, giống như lễ Song- kra ở Thái Lan. Nhưng tập tục này đã chấm dứt từ lâu, thay vào đó là dùng nước sạch ngâm các loài hoa có mùi thơm thấm vào quần áo, đồ dùng của ông bà, cha mẹ như một lời cầu chúc may mắn đầu năm.

Tết Chol Chnăm Thmây là Nét văn hóa đặc sắc không chỉ là một dịp để người Khmer Nam Bộ thể hiện lòng kính trọng đối với tổ tiên và các vị thần linh, mà còn là một dịp để củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống btrong xây dựng quê hương, đất nước cường thịnh.

Nguồn: vanhoaphatttrien.vn

ĐỀ XUẤT

Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả giải pháp cấp bách

Thời tiết mùa hè nắng nóng từ tháng 4 đến nay khiến tình hình cấp điện cũng "nóng" theo. Mặc dù người dân tiết kiệm điện, toàn bộ hệ thống điện phải căng mình để đảm bảo cung cấp điện, vẫn không thể đáp ứng được hết nhu cầu phụ tải điện trên toàn quốc. ...

Xem thêm

Đột phá sáng tạo - cách Sữa đặc Ông Thọ duy trì sức hút trên thị trường gần nửa thế kỷ

Là một trong những thương hiệu quốc dân gắn liền với đời sống người tiêu dùng Việt gần 50 năm qua, sữa Ông Thọ của Vinamilk vẫn duy trì sức hút với người tiêu dùng các thế hệ bằng chất lượng thượng hạng và không ngừng sáng tạo đổi mới, bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng. ...

Xem thêm

Vĩnh Phúc: Kim Long (Tam Dương) cần phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế khi được nâng cấp lên thị trấn

Sáng 9/4, đã công bố Nghị quyết số 730/NQ - UBTVQH15 ngày 13/2/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 15 về việc thành lập thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. ...

Xem thêm

THỊNH HÀNH

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình, tỉnh Kiên Giang tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Thời gian tập trung cao điểm các hoạt động từ ngày 10/3 đến ngày 25/3/2023. ...

Xem thêm

Góc nhìn văn hóa: Dân số Việt Nam 100 triệu người - Một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ

Dự báo trong tháng 4/2023, Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu, chính thức trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định, con số 100 triệu này vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có những bước đi và chiến lược để tận dụng cơ hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. ...

Xem thêm

Hải Dương: Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương và Đại lễ tưởng niệm 319 năm ngày Thánh Tổ Thủy Nguyệt nhập niết bàn (1704-2023)

Sáng 24/4 (tức ngày 5/3 năm Quý Mão), tại tổ đình Thánh Quang (KDC Nhẫm Dương, Phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), Sơn Môn Tào Động và Thị xã Kinh Môn phối hợp tổ chức Lễ hội truyền thống Chùa Nhẫm Dương và Đại lễ tưởng niệm 319 năm ngày thánh Tổ Thủy Nguyệt nhập niết bàn (1704 – 2023). ...

Xem thêm

-->